Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

# tâm sự chồng con

"Vợ ơi vào nhà đi, anh muốn được làm chồng em, làm bố con em"


Tôi là đàn ông đã có vợ và vợ tôi đã mất cách đây 3 năm, khi vừa sinh em bé được 3 tháng 8 ngày. Và cái chết hôm ấy của vợ đến giờ vẫn chưa chịu buông tha cho tôi.

Năm đó tôi 28 tuổi và vợ tôi 24 tuổi. Cô ấy vừa mới ra trường nhưng vì mang bầu với tôi nên phải cưới gấp. Lúc vợ thử thai là khi tôi còn ở trọ. Hôm đó, cô ấy bước ra khỏi nhà tắm, tay run bần bật đưa que thử thai cho tôi xem, người như mất hồn. Tôi ôm cô ấy vào lòng để bàn tay đó không phải dính vào nhau thêm nữa và hứa sẽ cưới, lo chu toàn cho hai mẹ con.

Thế nhưng sau cưới, tôi bắt đầu cảm thấy hụt hẫng với cuộc sống hôn nhân. Bỗng chốc trở thành một ông bố mà không có chút chuẩn bị gì khiến tôi không cảm thấy hạnh phúc mà chỉ có cảm giác cùm chân vô cùng, nhất là khi lại về sống cảnh “chó chuôi gầm chạn”. Tuổi trẻ nông nỗi tôi không biết phải làm gì cho khuây khỏa cảm giác sống bám vào nhà vợ ngoài việc tụ tập bạn bè sau mỗi giờ làm. Hôm nào sớm cũng về nhà đến 12 giờ khuya. Còn trễ nữa, có khi tận 1-2 giờ sáng là bình thường. Mấy hôm đầu, vợ tra hỏi, tôi cũng khó chịu, qua quýt bảo đi gặp khách hàng cho xong chuyện. Nhưng sau này vợ cằn nhằn mãi, tra hỏi mãi tôi bắt đầu chai, cứ bơ bơ bảo “Không thích ở nhà thì đi thôi, việc gì phải quan tâm”. Có lẽ vợ tôi cũng uất ức nhưng chưa bao giờ thấy bố mẹ vợ mắng tôi một lời vì làm khổ con gái họ. Vợ tôi đã âm thầm chịu đựng tất cả mà không nói cho bất kỳ ai về những gì phải chịu đựng.

Nhiều lần tôi về khuya, lăn ra ngủ, giật mình dậy đi tè vẫn thấy vợ ngồi đầu giường nhìn trân trân vào góc nhà, nước mắt ướt đẫm. Lúc đó tôi thấy cũng có lỗi với vợ lắm nhưng rồi thói ham chơi, ham nhậu và cái sĩ diện của thằng ở rể lại khiến tôi cứ đâu vào đấy. Vợ tôi vẫn chịu đựng tôi. Khi nào bực tức lại gào lên khóc, đòi ly dị nhưng qua hôm mai, hôm mốt rồi cũng chẳng làm được gì. Vợ tôi vốn kính cha mẹ, không muốn làm ông bà hay chuyện phải buồn khổ. Hầu như lúc vợ bầu bì, ngoài chuyện tôi đưa tiền về thì còn lại mọi thứ vợ đều phải tự lo. Tôi cũng chả phải áy náy gì chuyện ấy vì ở với mẹ ruột, thiếu gì người chăm mà đến lượt tôi. Tình cảm tôi dành cho vợ cũng dần dần trở thành thứ gì đó rất tầm thường.

Lúc đó vợ tôi không đi làm nên kinh tế của gia đình phụ thuộc hết vào tôi. Tôi ngạo mạn cho rằng trên đời đàn bà cần nhất cũng chỉ là tiền chồng đưa về. Ngoài chuyện đó ra, có lẽ họ cũng chẳng cần gì nhiều. Thậm chí có chồng hay không cũng chẳng mang nhiều ý nghĩa cho lắm. Tôi an tâm với suy nghĩ đó và cứ thế bỏ mặc vợ mình trong suốt kỳ thai nghén, ngoại trừ những lúc “trả bài” thì vợ chồng vẫn còn tiếng nói chung. Chỉ thỉnh thoảng thấy vợ ngồi thừ trong đêm như bóng ma tôi cũng thấy chút hoảng hồn.

Rồi cứ thế thời gian qua đi cho đến khi vợ sinh. Ngày cô ấy đau đẻ tôi cũng chiếu cố đi cùng cô ấy vào viện, ở được 2 hôm, đến khi mẹ sắp xếp công việc vào viện thì giao hết lại cho mẹ. Khi cô ấy đưa con từ viện về là lúc tôi bắt đầu cảm thấy nhẹ gánh. Con ra đời, vợ sinh, mẹ vợ tôi cũng lo cho suốt. Tôi cũng thấy chẳng có gì phải đến việc tay mình. Mọi chuyện không thay đổi, ngoại trừ tình cảm của tôi với con. Nhìn cái bàn tay, bàn chân bé xíu của nó yêu lắm nhưng chỉ cưng nựng chốc lát rồi cũng xong. Tôi cho rằng vợ mình cũng đã quen với thói quen của tôi nên cứ vậy mà đi biền biệt từ khuya đến sáng đều đặn mỗi ngày. Nhưng lần ấy mọi thứ đã khác.

Mẹ vợ bắt đầu gọi tôi vào nói chuyện. Bà không ưng chuyện tôi bỏ mặc con gái bà và yêu cầu tôi mỗi tối về đúng giờ. Hôm nào có khách thì có thể ngoại lệ. Bà còn bảo vợ tôi dạo này khác lắm, hay gắt, chửi thề và có khi còn đánh đập cả thằng nhỏ mới sinh. Từ hôm đó tôi bắt đầu muốn để ý nhiều hơn đến vợ mình. Tôi nhận ra vợ tôi có thói quen mới, gọi điện kêu réo về. Những lần này giọng vợ đã gắt gỏng hơn, có cả chửi rủa và nhiều khi còn văng tục đúng như lời mẹ vợ tôi nói. Điều đó khiến tôi thấy lạ nhưng chẳng hiểu sao lại không khiến cho tôi thay đổi nhiều ngoại trừ một đôi hôm giở chứng thương vợ, nhớ con lại vác mặt về sớm. Tất nhiên số lần về khuya vẫn nhiều hơn rất nhiều so với những ngày về sớm, phụ vợ chăm con. Lũ bạn nhậu thỉnh thoảng cũng hỏi tôi “Có yêu vợ con không?” tôi bảo “Vợ con mình không yêu thì yêu ai nhưng đàn ông đâu phải chỉ có vợ con là duy nhất! Vả lại đàn bà ấy mà, cứ đưa tiền về là cái mặt nó hớn hở ra chứ cần gì mình”. Nói đến đây tôi bỗng nhớ lại gương mặt vợ mình những ngày sau sinh. Người ta đẻ dậy sợ béo ú nhưng vợ tôi thì có lẽ sinh xong đã lấy lại được dáng ngay. Đã vậy mỗi ngày mỗi xanh xao, gầy còm nhìn như cò thiếu ăn.

Tôi bắt đầu thấy mình quá quắt và muốn thay đổi. Hôm đó, tôi muốn mua cho vợ bát gà ác hầm để tẩm bổ nhưng trời đổ mưa lớn, sấm chớp giật đùng đùng. Tôi phải ráng nán lại đợi phần vì sợ bát gà hầm về đến nhà mất ngon nhưng rồi mấy thằng bạn lại rủ vài ly làm tôi mềm lòng. Tôi vào quán nhâm nhi, Như vợ gọi và tôi lại hứa hẹn “Anh sắp về rồi, đợi mưa tạnh bớt đã”. Nhưng tiếng chuông điện thoại vẫn cứ đổ mãi, không dứt dù chỉ trong ít phút. Vợ tôi lại chửi rủa và gào thét. Nhiều lần như thế tôi bắt đầu mất kiên nhẫn và nạt nộ. Lần điện thoại cuối cùng, sau khi vợ nói: “Anh không về ngay em sẽ…thì tiếng két lớn kéo dài đến inh tai vang lên trong điện thoại. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi ù về nhà thì gặp ngay đám đông bu quanh nhà, đang xôn xao. Tôi run rẩy chen vào xem thấy bố mẹ vợ trong bộ quần áo pizama đang ôm xác vợ tôi bê bết máu nằm trên con đường trước nhà mà gào thét “Con ơi là con, sao lại ra nông nỗi này! Có gì thì ở trong nhà chờ chồng về chứ sao lại chạy ra đây để mà chết lạnh lẽo giữa đường xá đêm mưa thế này!!!”… Từ giây phút đó người tôi mềm nhũn như bún, chạy lại giật vợ trong tay rồi chỉ biết gầm rú đau đớn. Trong khi xác vợ còn chưa kịp đưa vào nhà thì mẹ vợ lập cập ôm con tôi từ trong nhà chạy ra bảo “Thằng bé… nó không thở nữa. Lạnh ngắt rồi, lạnh ngắt giống mẹ nó rồi…”. Hai chân mẹ vợ tôi cứ vậy mà giậm lên mặt đường ướt át khóc không thành tiếng trong tiếng mưa.

Sau ma chay cho vợ con, mẹ vợ không nhìn mặt tôi, cũng không cho tôi về nhà thắp nhang cho vợ nữa. Bà kể hôm đó bà bị lên tiền đình đi ngủ sớm, không ở với con gái được. Nhưng vừa nằm thiu thiu được một lát thì nghe tiếng hét lớn từ ngoài nhà. Bà từ phòng ngủ chạy vào phòng tìm con gái nhưng không thấy đâu. Khi thấy hàng xóm xôn xao bên ngoài, chạy ra thì con đã nằm nhũn trên vũng máu ở ngoài đường. Khi tôi về, bà sực nhớ chạy vào coi cháu thì phát hiện thằng bé đã lạnh người, trên mặt vẫn còn nguyên cái gối úp kín mặt mũi. Bà nói vợ tôi có những hành vi bất thường từ lúc mang bầu. Bà nhiều lần thăm hỏi nhưng vợ tôi miệng kín bưng không nói năng gì nên bà không biết nguyên nhân từ đâu. Sau này để ý bà mới dần hiểu nguyên nhân là do tôi nên đã nhắc nhở. Đó là lý do bà nghiêm túc bảo tôi phải thường xuyên về nhà phụ vợ chăm con. Nhưng khi tôi chưa kịp làm gì cho vợ mình thì cô ấy đã cùng quẫn đến mức úp gối làm ngạt con rồi ra đường tự đâm đầu vào xe mà chết.

Cho đến bây giờ đã 3 năm trôi qua nhưng hình ảnh của vợ con tôi hôm đó vẫn không thể nào khiến tôi có thể nguôi ngoai đi được. Viết ra những dòng này cũng là điều khó khăn với tôi vô cùng bởi một lần nữa tôi phải gợi lại cái chết của vợ tôi mà trong đó tôi không khác gì là kẻ tội phạm. Cả đời này chắc có lẽ tôi phải trả giá cho tính sĩ diện, trẻ con của mình mà không thể nào tha thứ được cho bản thân. Tôi đã không tin trên đời này có chuyện đàn bà sau sinh bị trầm cảm hay là chuyện trầm cảm thai kỳ gì đó. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra với tôi, với con tôi, vợ tôi và gia đình tôi. Vợ tôi đi khi tôi còn chưa kịp làm gì để bù đắp. Giờ hương khói lạnh rồi tôi chỉ còn biết cầu xin: "Vợ ơi vào nhà đi, anh muốn được làm chồng em, làm bố con em".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Follow Us @soratemplates